4 lỗi chí mạng thường gặp khi phân tích biểu đồ – IELTS Writing: Task 1
Phân tích biểu đồ là một trong những dạng bài viết thực sự “khó nhằn” trong Writing task 1. Không phải vì tính phức tạp hay “cao siêu” gì của đề bài mà bởi ở dạng bài này, vốn từ vựng đa dạng và khả năng diễn đạt thông tin linh hoạt là hai kỹ năng ảnh hưởng rất nhiều đến band điểm của phần này.
Tuy nhiên, “uyển chuyển” trong câu từ thôi chưa đủ, khi thực hiện các phần viết với mật độ thông tin số liệu chiếm tỉ lệ cao như thế này, cẩn thận và chỉnh chu cũng là 2 yếu tố thí sinh cần cân nhắc kĩ càng để đảm bảo band điểm thực của mình. Cùng xem qua 4 lỗi chí mạng thường gặp nhất khi chúng ta viết dạng bài về biểu đồ và học ngay cách khắc phục cho bản thân nhé!
1. Bài viết của bạn vượt quá số từ quy định
- Vấn đề: Trong bài thi IELTS Writing Task 1, bạn chỉ có 20 phút dành cho phần này. Vì vậy, đừng nên phân tích tất cả các thông tin và dữ kiện có trong bài. Nếu bạn không biết xử lý tốt, bài viết của bạn có thể sẽ bị vượt quá số lượng từ qui định, và dẫn đến mất điểm trong bài thi.
- Cách giải quyết: Bạn nên đánh dấu một số thông tin hoặc chi tiết quan trọng trong bài viết để tránh trường hợp bạn phân tích lan man trong bài. Mỗi biểu đồ nên chọn 2 – 4 đặc điểm chính để phân tích. Ưu điểm của việc này là khiến bạn đi đúng trọng tâm của bài viết và hạn chế tối đa việc bạn viết quá số từ quy định trong câu.
2. Các thông tin quan trọng trong bài viết bị bỏ sót
- Vấn đề: Nhiều bạn thường phân vân về việc chọn các số liệu trong biểu đồ. Đôi khi một biểu đồ có quá nhiều số liệu có thể làm nhiều bạn không phân biệt đâu là số liệu thể hiện đặc điểm chính của biểu đồ.
- Cách giải quyết: Vậy cần chọn những số liệu nào? Như các bạn đã biết, biểu đồ được chia thành 2 dạng chính là biểu đồ theo thời gian và biểu đồ không có thời gian. Vì vậy, bạn phải căn cứ vào đặc điểm của biểu đồ để chọn số liệu phù hợp để phân tích:
- Đối với dạng biểu đồ theo thời gian: các bạn phải phân tích được xu hướng đi lên hay đi xuống của biểu đồ. Vì vậy, các bạn phải chú ý đến các số liệu ở điểm đầu tiên và điểm cuối cùng.
- Đối với dạng biểu đồ không có thời gian: đây thường là dạng biểu đồ dùng để so sánh hai hoặc nhiều đối tượng, Vì vậy, bạn phải đặc biệt chú ý đến những số liệu cao nhất và số liệu thấp nhất của biểu đồ đó.
Các bạn cũng nên chú ý không đi quá sâu phân tích những số liệu này nhé vì lượng thời gian và lượng từ trong bài viết bị giới hạn trong bài thi.
3. Thiếu sự mạch lạc, rõ ràng trong bài viết
- Vấn đề: Chúng ta không biết nhóm các thông tin vào các đoạn trong bài viết sao cho phù hợp và logic.
- Cách giải quyết: Các bạn nên nhớ hầu như tất cả các bài phân tích biểu đồ nên được chia theo bố cục chuẩn 4 đoạn bao gồm:
- Introduction: giới thiệu chung, khái quát về biểu đồ
- Overview: Nêu ra đặc điểm chính của cả hai biểu đồ
- Câu 1: Giới thiệu đặc điểm nổi bật của biểu đồ số 1
- Câu 2: Giới thiệu đặc điểm nổi bật của biểu đồ số 2
- Body 1: Phân tích số liệu của biểu đồ số 1
- Body 2: Phân tích số liệu của biểu đồ số 2
Việc phân chia như vậy sẽ làm cho bài viết của chúng ta mạch lạc, rõ ràng và dễ quan sát các ý trong bài. Đối với phần Body, các bạn không nên gộp phần phân tích của cả biểu đồ vào một đoạn.
4. Việc so sánh các số liệu giữa các biểu đồ với nhau không hợp lý
- Vấn đề: Nhiều bạn có thể nghĩ rằng việc so sánh các số liệu trong hai biểu đồ sẽ là một điểm cộng cho bài viết. Đôi khi, bạn dành quá nhiều thời gian chỉ để cố tìm một đặc điểm trong biểu đồ để đem ra so sánh. Thậm chí, nhiều bạn còn gượng ép so sánh hai biểu đồ với nhau mà không biết các số liệu đem ra so sánh khập khiễng hoặc không liên quan lắm đến nhau.
- Cách giải quyết: Không phải lúc nào cũng tìm ra những mối liên hệ giữa hai biểu đồ để đem ra so sánh. Vì vậy, cách tốt nhất là các bạn chỉ nên so sánh các số liệu trong cùng một biểu đồ với nhau mà thôi. Và chỉ khi nào bạn chắc chắn về mối quan hệ giữa biểu đồ số 1 và số 2 thì mới chỉ ra sự tương phản/ tương đồng/ nguyên nhân/ kết quả … thì mới viết vào bài của mình nhé.
Biên tập: Alice
Nguồn: etrain.edu.vn