Dưới đây là một vài việc trước khi đọc bất cứ văn bản nào, giúp bạn tăng khả năng đọc hiểu hơn:
Trước khi đọc, hãy “đảo mắt” nhìn xung quanh xem:
Đùa thôi, bạn không cần phải đảo mắt nhìn phía trước hay phía sau thật đâu. Mà, ý tôi là hay chú ý ngoài những con chữ trong trang giấy: Tiêu đề là gì? Hình ảnh mình họa trên trang bìa? Ai là tác giả? Đây là loại sách/văn bản gì? Là truyện hay là một nghiên cứu? Và nó được viết khi nào?….Những câu hỏi như thế chỉ tốn một ít thời gian thôi, nhưng sẽ giúp chúng ta có những hình dung rõ ràng hơn về bài viết chúng ta sẽ đọc. Với một bài viết nghiên cứu, bạn sẽ dự đoán được rằng mình sẽ đọc về các vấn đề, lập luận và phương pháp của tác giả. Cũng như vậy, bạn sẽ tò mò và hưng phấn khi bạn biết mình sắp đọc cuốn truyện phiêu lưu kí, hay kì vọng nó là văn học lãng mạn chẳng hạn.
Đối với bài Reading trong IELTS, cách này nên được áp dụng. Bởi vì khi xem xét chủ đề và thể loại trong đoạn văn, sẽ giúp bạn hình dung trước những gì mình sẽ đọc, ngoài ra, não bộ bạn sẽ nhanh chóng gom góp những thông tin bạn đã có về chủ đề này để sẵn sàng xử lý những thông tin bạn sắp sửa đọc một cách nhanh chóng và rõ ràng hơn đấy.
Liên hệ thực tế:
Bộ não của chúng ta thường có xu hướng “bắt quàng làm họ” với những thông tin liên quan trực tiếp đến sở thích hoặc đời sống của chúng ta. Vì thế, khi tiếp nhận thông tin, đọc một đoạn văn, hãy cố gắng trả lời những câu hỏi đã nêu ở trên kia, và tìm kiếm điểm chung, hoặc mối tương quan với cá nhân mình nhé. Nhờ thế, chúng ta sẽ hiểu nhanh hơn những gì vừa đọc.
Tập viết:
Tại sao bạn chỉ đang muốn đọc thôi, mà tôi lại còn bắt bạn viết nữa? Thật vô lý quá chứ?
Không đâu. Khi bạn đã hình dung ra bối cảnh và có những đoán định trong đầu về đoạn văn, hay cuốn sách bạn sắp đọc, hãy viết ra những câu hỏi về nội dung sắp tới, về nhân vật như thế nào sẽ xuất hiện, và dự đoán thử cuốn sách, văn bản này sẽ đi đâu về đâu.
Ví dụ, trong bài IELTS, với đoạn văn về chủ đề Hiệu ứng nhà kính (Green House Effects), bạn nên đặt câu hỏi: hiệu ứng nhà kính là gì? nguyên nhân nào dẫn đến hiện tương này? vấn đề này đã và đang diễn ra như thế nào? cách giải quyết là gì? Và khi đọc, bạn sẽ bắt đầu tìm kiếm thông tin theo “lộ trình” này, hoặc khi đoạn văn đưa ra những thông tin chệch khỏi dự đoán của bạn, bạn sẽ biết ngay.
Việc đặt câu hỏi và viết ra không chỉ đơn thuần giúp bạn đọc hiểu tốt hơn, mà còn giúp bạn tư duy nhanh nhạy hơn trước vấn đề. Đây là một lợi ích mà không phải ai cũng nhận ra khi đọc và nhất là đọc các bài viết IELTS Reading.
Đương nhiên, để cải thiện khả năng đọc hiểu là một hành trình dài. Và cũng đương nhiên là khả năng này không chỉ giúp bạn vượt qua kì thi IELTS thôi, mà là một kĩ năng hữu ích suốt đời, trong bất cứ công việc nào bạn làm.
Biên soạn: K.Anh