Làm thế nào để tăng tốc độ đọc? – IELTS Reading
Bạn có biết mình phải đọc bao nhiêu từ trong bài thi IELTS Reading không? Khoảng 900 từ! Chuyện này có vẻ bất khả thi khi bạn nghĩ về chuyện phải trả lời 40 câu hỏi viết bằng tiếng nước ngoài trong vòng một tiếng đồng hồ. Đừng lo, có rất nhiều cách để cải thiện kĩ thuật làm bài cũng như kĩ năng đọc, từ đó bạn không chỉ hoàn thành bài thi của mình, mà hoàn thành một cách rất tốt.
Nhiều học viên không thể hoàn thành bài thi IELTS Reading vì họ đọc rất chậm. Hai lí do chính là kĩ thuật làm bài kém và tốc độ đọc chậm.
Bài viết này sẽ bàn về:
- Những vấn đề mà tốc độ đọc chậm gây ra
- Tại sao một số người lại đọc chậm hơn những người khác
- Lợi ích của việc đọc nhanh
- Khi nào đọc nhanh và khi nào thì nên đọc chậm
- Làm thế nào để đọc nhanh hơn
- Những lời khuyên khi làm bài
Tại sao đọc chậm lại là vấn đề?
Đôi khi đọc chậm là điều cần thiết và quan trọng, nhưng trong một vài trường hợp, đọc chậm có thể gây ra những vấn đề như:
- Không trả lời hết các câu của bài đọc hay của cả bài thi Reading
- Khiến bạn lo lắng hơn vì bạn không còn đủ thời gian
- Tốn thời gian vào những đoạn văn không có câu trả lời
- Tốn quá nhiều thời gian để đọc trong quá trình bạn luyện tập trước khi thi
Tại sao tôi đọc chậm?
Nhiều người đọc chậm vì một hoặc nhiều lí do sau đây:
- Đọc từng từ riêng rẽ
- Dừng đọc một khi gặp từ họ không biết
- Đọc thầm
- Muốn hiểu mọi từ trong câu
- Đọc các câu hai hay ba lần
- Nghĩ về ý tưởng quá nhiều hoặc quá chi tiết
Đọc nhanh có lợi gì cho tôi?
Cũng như bất kì kĩ năng nào khác, bạn có thể học và hoàn thiện kĩ năng đọc nhanh bằng cách luyện tập. Khi có thể đọc nhanh hơn, các bạn có thể có những lợi thế sau đây:
- Bạn sẽ có thể hiểu được nghĩa khái quát của cả bài đọc và từng đoạn văn dễ dàng và nhanh chóng. Điều này sẽ giúp bạn tìm câu trả lời hiệu quả hơn.
- Bạn sẽ tự tin hơn bao giờ hết khi bước vào phòng thi. Các thí sinh tự tin không cảm thấy lo lắng như các thí sinh không tin vào bản thân, và họ cũng có xu hướng làm bài tốt hơn.
- Bạn sẽ có nhiều thời gian hơn để suy nghĩ về câu trả lời và chắc chắn rằng chúng là những câu trả lời chính xác. Bạn cũng sẽ có thời gian để kiểm tra câu trả lời ở cuối phần thi.
- Bạn có thể đọc nhanh rất nhiều bài viết đa dạng trước kì thi. Điều này không những cải thiện kĩ năng đọc, mà cả trình độ tiếng Anh của bạn.
Liệu tôi lúc nào cũng cần đọc nhanh?
Khả năng đọc nhanh rất quan trọng trong kì thi IELTS, nhưng kĩ thuật làm bài cũng quan trọng không kém. Nó có thể giúp bạn đọc nhanh, nhưng nó cũng có thể khiến bạn mất điểm vì trả lời sai. Vì thế, chúng ta cần phải biết lúc nào đọc nhanh và lúc nào đọc chậm.
Thông thường, chúng ta đọc nhanh hơn khi chúng ta muốn nắm thông tin khái quát của bài (đọc lướt) hay tìm từ hoặc cụm từ cụ thể (quét). Sử dụng những kĩ năng này là rất quan trọng, nhưng lúc nào cũng sử dụng chúng thì bạn sẽ lỡ mất các chi tiết quan trọng và trả lời sai.
Thường khi chúng ta muốn tìm công trả lời chính xác, chúng ta cần dành thời gian và đọc kĩ từng từ.
Có khá nhiều dạng câu hỏi trong IELTS Reading và mỗi dạng cần kĩ thuật khác nhau cũng như cần mức độ đọc lướt, quét và đọc kĩ khác nhau. Đọc các bài học về các dạng câu hỏi để giúp bạn cải thiện hơn.
Đừng đọc chỉ để đọc. Luôn đọc có chủ đích trong lúc làm bài. Ví dụ: nếu bạn chỉ đang hiểu ý khái quát của đoạn văn, chỉ cần đọc câu đầu và câu cuối của đoạn văn thật nhanh. Nếu bạn đang tìm một từ hoặc một cụm từ cụ thể, hãy quét qua đoạn văn thật nhanh thay vì đọc kĩ cả đoạn văn. Khi bạn tìm câu trả lời chính xác, bạn phải đọc bài kĩ hơn và chú ý chi tiết nhiều hơn.
Đọc nhanh
Bạn có biết rằng bộ não không hề xử lí từng từ một? Thay vào đó, bộ não xử lí từ theo nhóm 3 đến 5 từ. Những nhóm này được gọi là “khối”. Không may, phần lớn trong chúng ta được dạy đọc từng từ ở trường. Ngoài ra, chúng ta có xu hướng nghĩ về ý nghĩa của từng từ khi đọc văn bản viết bằng tiếng nước ngoài.
Giải pháp cho vấn đề này là nhóm từ lại khi đọc.
Lấy đoạn văn trên làm ví dụ:
Bạn có biết rằng / bộ não không hề xử lí / từng từ một? Thay vào đó, bộ não xử lí từ / theo nhóm 3 đến 5 từ./ Những nhóm này được gọi là “khối”./ Không may, phần lớn trong chúng ta / được dạy đọc / từng từ ở trường./ Ngoài ra, chúng ta / có xu hướng nghĩ về ý nghĩa của từng từ / khi đọc văn bản viết bằng tiếng nước ngoài.
Hãy đọc đoạn văn trên và nhóm từ lại thay vì đọc từng từ một. Những dấu gạch chéo được thêm vào để giúp bạn làm điều này.
Ban đầu, việc này có vẻ không tự nhiên, nhưng nếu luyện tập thường xuyên, bạn có thể đọc một cách tự nhiên và tăng tốc độ đọc lên rất nhanh.
Dành 10 – 30 phút mỗi ngày luyện đọc với phương pháp này. Đừng lo nếu bạn không hiểu từng từ, cứ đọc. Đừng để mắt dừng lại ở một từ và đừng lo về những từ bạn không hiểu.
Ghi chú lại số từ bạn đọc trong 5 phút, bạn sẽ thấy tiến bộ sau một hoặc hai tuần.
Một lợi ích to lớn của việc này là bạn sẽ thực sự cải thiện ngữ pháp và từ vựng vì bạn sẽ nhận biết cách từ và cụm từ nhóm lại với nhau. Bạn sẽ thấy bắt đầu nhận thấy các kiểu mẫu và các cụm từ luôn đi với nhau, và điều này sẽ giúp các bạn cải thiện không chỉ việc đọc mà còn trình độ tiếng Anh của mình.
Điều quan trọng là phương pháp này yêu cầu luyện tập rất nhiều, nhưng đừng nản vì kết quả nhận được rất đáng với thời gian và công sức bạn đã bỏ ra.
Những lời khuyên khi làm bài
- Bạn không cần phải đọc hết bài cho mọi câu hỏi. Chỉ cần đọc những gì cần thiết và qua câu khác
- Đừng lo nếu bạn gặp phải một từ bạn không hiểu. Nếu bạn ở trong trường hợp đó, bạn có thể đoán nghĩa từ đó dựa trên các từ và câu xung quanh hoặc không quan tâm đến từ đó. Luôn có những từ mà đến cả người bản ngữ cũng không hiểu.
- Bạn có 90 giây để hoàn thành mỗi câu hỏi, nhưng có những câu dễ và cũng có những câu tốn nhiều thời gian hơn để làm. Không nên tuân theo cứng nhắc quy tắc 90 giây/câu; dành ít thời gian cho câu dễ và nhiều thời gian hơn cho câu khó.
- Tôi khuyên các bạn dành nhiều thời gian hơn cho câu hỏi khó, nhưng đừng quá nhiều. Một số câu nhằm mục đích phân loại thí sinh band 8.0 và 9.0. Nếu các bạn không thể tìm ra câu trả lời trong 1 đến 2 phút, cứ làm tiếp.
- Thông thường, các câu hỏi dễ sẽ nằm ở đầu bài thi, các câu khó hơn sẽ nằm phía cuối.
- Không nên đọc thầm trong lúc làm bài, vì đọc thầm sẽ tăng thời gian bạn xử lí một từ.
- Nếu bạn có tật đọc đi đọc lại một câu, hãy thử đọc bài với một tờ giấy và dịch chuyển tờ giấy theo những từ bạn đọc. Theo thời gian, bạn sẽ không còn đọc đi đọc lại nữa và việc đọc trở nên trơn tru hơn.
- Đọc câu hỏi trước khi đọc bài – điều này sẽ giúp bạn tập trung vào thông tin bạn tìm kiếm.
- Lợi dụng tiêu đề và hình ảnh để giúp bạn đoán nội dung chính của bài đọc.
Đây là các bài học về các dạng câu hỏi. Hi vọng các bạn đã thu thập được một vài điểm bổ ích.
Người dịch: Quốc Huy Lê
Nguồn: ieltsliz