11 mẹo để đoán câu trả lời (P1) – IELTS Reading

Suy đoán là một kĩ năng cực kì quan trọng khi bạn làm bài thi IELTS Reading. Dù ở trình độ nào ai cũng cần một chút dự đoán trong bài làm đọc của mình. Bởi vì bài đọc được thiết kế dành cho cả những người đạt đến trình độ band 9.0, nên chắc chắn bạn không thể “biết” được câu trả lời hoàn toàn dựa trên năng lực ngôn ngữ và kĩ năng đọc hiểu 6.5 của bạn được.

Nhưng giữa đoán mò và suy đoán có cơ sở là cả một sự khác biệt lớn đấy nhé! Suy đoán cũng là một kĩ năng đọc hiểu mà bạn hoàn toàn có thể học và luyện tập. Sau đây là một vài gợi ý giúp các bạn bắt đầu trong việc học kĩ năng cần thiết này, để mọi người có thể làm thật tốt bài thi IELTS Reading của mình.


anthony-tran-378336


1. Đừng hoảng hốt – hãy giữ đầu óc tỉnh táo

Đây là vấn đề rất nhiều người gặp phải. Họ bắt gặp một câu hỏi mà mình không thể trả lời – hoặc không thể trả lời ngay lập tức – và thế là họ từ bỏ vì nghĩ rằng câu hỏi này quá khó, và gần như quên hết mọi chiến thuật làm bài IELTS Reading cơ bản mà mình đã biết. Phương pháp ở đây là hãy nhớ lại những chiến thuật làm bài đọc thông thường mà bạn đã được học – nó sẽ giúp bạn suy đoán ra câu trả lời. Nếu suy đoán của bạn có thể chính xác, tại sao lại không thử nhỉ!

Chi tiết cách làm như sau:

  • Đừng suy đoán ngay lập tức.
  • Hãy nhớ lại các dạng câu hỏi trong bài thi IELTS Reading và các kĩ thuật đọc hiểu bạn đã biết.
  • Hãy hiểu rằng với mỗi dạng câu hỏi thì bạn có thể phải dùng các chiến thuật khác nhau.
  • Nghĩ xem thử câu trả lời có thể tìm thấy ở đâu.
  • Hãy loại trừ đi những câu chắc chắn là sai.
  • Dự đoán câu trả lời có khả năng đúng cao nhất.

Các ý này sẽ được giải thích rõ hơn ở phần sau, cùng đón xem nhé!


2. Hãy cho mình đủ thời gian

Điều đầu tiên cần nhớ là nếu bạn không cho mình đủ thời gian, thì bạn sẽ không thể có những suy đoán sáng suốt được. Có càng nhiều thời gian để suy nghĩ thật hệ thống thì khả năng đúng của bạn càng cao. Nên hãy đảm bảo bạn có đủ thời gian để đưa ra suy đoán của mình. Đừng dành quá nhiều thời gian vào một, hai câu hỏi mà hi vọng rằng những câu sau mình sẽ đoán được hết.

Khi làm bài trong thực tế, bạn phải giữ cho mình một chiến thuật thời gian hợp lý trong suốt bài thi. Bạn phải ghi nhớ thời gian mình được phép dành cho từng nhóm câu hỏi và từng bài đọc một. Một lỗi nhiều người hay mắc đó là quên béng mất thời gian trong phòng thi vì họ đã tập trung quá nhiều vào một phần trong bài, để các phần sau đó họ phải đoán mò câu trả lời vì không có kịp thời thời để đọc. Suy đoán câu trả lời trong trường hợp này là vô ích về khả năng đúng của bạn gần như bằng 0 khi không có đủ thông tin nền cần thiết để đoán!


3. Hãy biết lúc nào mình nên đưa ra dự đoán – nhớ để ý đến thời gian

Tương tự, nếu bạn có kế hoạch kĩ lưỡng về thời gian dành cho việc trả lời một câu hỏi, bạn sẽ đạt kết quả tốt hơn. Nghĩa là sau một khoảng thời gian nhất định, bạn phải hoàn thành trả lời xong một câu hỏi, trong đó tính cả thời gian dành cho việc suy đoán. Hãy nhìn đồng hồ và cố gắng có câu trả lời trong đúng khoảng thời gian quy định.

Bạn nên dành bao nhiêu thời gian cho một câu hỏi? Cái này thì phụ thuộc vào bạn. Nhưng quan trọng là bạn nên cố gắng dành một khoảng thời gian khá tương đương nhau đối với từng câu hỏi – đừng mất quá nhiều thời gian vào một câu hỏi. Đơn giản là vì nếu như thế thì khả năng đoán đúng các câu hỏi tiếp theo của bạn sẽ thấp hơn.


4. Hãy suy nghĩ về các dạng câu hỏi – có những câu dễ đoán hơn so với các câu khác – hãy tận dụng triệt để để làm cho may mắn đứng về phía bạn

Các dạng câu hỏi khác nhau thì phương pháp làm bài cũng khác nhau, nếu bạn không tìm ra câu trả lời cho mình, bạn phải dùng đến các chiến thuật khác. Hãy làm một vài phép tính đơn giản thôi. Chẳng hạn như dạng câu hỏi “matching headings” cho từng đoạn văn, đây là dạng khó phải không nào? Mỗi câu hỏi có thể có đến 10 lựa chọn. Bạn chỉ có 1/10 cơ hội đoán đúng nếu lựa chọn may rủi. Bây giờ, hãy nhìn lại các câu hỏi True/False/Not Given, tự nhiên bạn có những 1/3 cơ hội đoán đúng. Tỉ lệ cao hơn nhiều. Còn với các câu “multiple choices” thì sao? Tỉ lệ ấy thông thường sẽ là 1/5.

Thế ta sẽ áp dụng như thế nào vào trong lúc làm bài? Chẳng lẽ là bạn không được phép suy đoán trong phần matching headings sao? Tất nhiên không phải như vậy. Nếu không có một đáp án chắc chắn, bạn vẫn cần phải suy đoán. Chỉ là bạn cần hiểu rằng có nhiều phần sẽ có cơ hội đoán đúng cao hơn, chẳng hạn như tỉ lệ 1/3. Điều này cũng có nghĩa là nếu bạn biết mình gặp khó khăn trong việc quản lí thời gian, hãy dành ít thời gian hơn cho các câu hỏi True/False/Not Given. Dù sao cơ hội đoán đúng các câu hỏi này của bạn cũng không quá thấp. Ngược lại, những câu hỏi matching headings sẽ là phần mà bạn không thể cứ thế đoán bừa được.


5. Hãy trả lời các câu hỏi mình có đáp án trước bằng việc sử dụng một vài kí hiệu

Kĩ thuật này sẽ đặc biệt có ích trong dạng câu hỏi “matching headings”Bạn sẽ thấy mình khá chắc chắn về một vài câu trả lời, một vài câu khác thì phân vân 50/50, còn một vài câu còn lại thì chẳng nghĩ ra được gì. Thế nên bạn cần dùng kí hiệu để đánh dấu phân loại những câu hỏi đó.

  • Câu trả lời mà bạn tự tin – có thể sử dụng chữ in hoa để viết
  • Câu trả lời còn phân vân 50/50 – hãy thêm vào một hay hai dấu ? ở bên cạnh
  • Và những câu mà bạn không tài nào nghĩ ra được gì – hãy viết dấu X

Cách làm này có tác dụng thế nào? Nếu bạn đã đánh dấu những câu mình biết đáp án, thì với những câu còn phân vân 50/50, bạn sẽ có nhiều khả năng đoán chính xác hơn, nên hãy tập trung vào những câu ấy trước. Chỉ khi xong hết, bạn mới nên chuyển sang đoán những câu mình không có đáp án. Khi ấy, tỉ lệ đoán đúng của bạn sẽ khoảng 1/6 chứ không còn là 1/10 nữa, vì bạn đã loại đi nhiều đáp án không phù hợp rồi.


Ví dụ: Nếu bạn chỉ phó mặc tất cả cho may rủi trong phần “matching heading”, tỉ lệ đúng là 1/10. Nhưng nếu bỏ đi các câu chắc chắn đúng, tỉ lệ sẽ là 1/8 (nếu bạn làm chắc được 3 câu). Tiếp tục bỏ đi các câu phân vân 50/50, tỉ lệ bạn có được sẽ là 1/6 (nếu bạn chọn đúng đáp án cho một câu mình phân vân). Và bây giờ bạn chỉ việc đoán những câu còn lại, tỉ lệ của bạn bây giờ là 1/6, nhưng có thể thấp hơn nhiều, vì có những đáp án bạn có thể thấy rõ là không phù hợp.

Với phương pháp này, bạn sẽ phải lưu ý rằng mình phải làm qua các câu hỏi nhiều hơn một lần – có lẽ mất khoảng 3 lần. Nghe qua thì có vẻ sẽ tốn thời gian, nhưng quả thực không phí tí nào nếu cách làm này giúp bạn có nhiều đáp án đúng hơn! Sự thật là nếu bạn làm qua một câu hỏi càng nhiều lần, bạn càng có khả năng chọn đúng đáp án cao hơn – làm nhanh quá hay làm chậm quá đều là những lỗi cần tránh.


Người dịch: Lan Hương

Nguồn: dcielts.com

Related Articles

Học Online cùng Premium