Nên học sách IELTS nào?

Có rất nhiều bạn hay inbox hỏi chị, nhưng câu như “Em vừa mới bắt đầu học IELTS, nên học sách nào?”, “Em muốn luyện IELTS band 5, nên học sách nào?”, “Em muốn tăng từ vựng IELTS, nên học sách nào?” Nếu các em có những câu hỏi tương tự thì đọc bài này nhé.

 

Chị biết là hiện tại có rất nhiều sách dạy tiếng Anh nói chung và IELTS nói riêng, nhưng có một sự thật là, hiệu quả của việc học phụ thuộc vào người học chứ không phải vào sách. Dù tên gọi của sách có là gì đi chăng nữa, các em cũng phải thêm dòng chú thách sau vào tên sách, “nếu bạn chịu học mỗi ngày và làm bài thực hành đầy đủ”. Ví dụ, cuốn “31 High-Scoring Formulas” tên đầy đủ sẽ là, “31 High-Scoring Formulas nếu bạn chịu học mỗi ngày và làm bài thực hành đầy đủ”.

 

Giả sử mà có chuyện là có những cuốn sách thần kỳ, giúp chúng ta vượt qua kỳ thi dễ dàng hơn những cuốn sách khác, thì chẳng phải là chúng ta đều đã thi qua rồi sao, đâu phải nhọc công tốn của thế này.

 

Mỗi cuốn sách, để được cấp giấy phép xuất bản, đều phải do những người có chuyên môn nhất định viết ra và qua quá trình thẩm định  kỹ càng, trừ một số trường hợp đặc biệt như cuốn từ điển “bạn bè = bồ bịch” của Vũ Chất (nên chị cũng hay tránh mua sách tham khảo tiếng Anh của tác giả Việt Nam). Mục đích chung của nhưng cuốn sách này là để giúp người đọc tăng một kỹ năng nhất định nào đó trong tiếng Anh nói chúng và kỳ thi IELTS nói riêng.62125629-old-books

 

Thông thường, các cuốn sách dạy IELTS sẽ đi theo quy trình, đưa ra các tips làm bài, lấy ví dụ minh họa và ra bài tập thực hành để giúp học sinh biết sử dụng các tips đó. Còn sách từ vựng thì hiển nhiên là cho từ vựng, tập đặt câu hoặc viết đoạn văn, sách practice tests thì cho các bài tests kèm băng và đáp án. Trăm sách như nhau, ít sự khác biệt. Mà các tips cũng đâu có nhiều, quanh đi quẩn lại vẫn bằng ấy tips, chỉ cách trình bày hoặc bài tập thực hành khác nhau chút xíu, thế mà trình độ học sinh không khá hơn được.

 

Không khá hơn được là do em, chứ tuyệt đối không phải do sách. Những gì cần truyền đạt, họ truyền đạt hết rồi, tại vì mình không chịu thực hành nên người ta nói gì cũng chỉ mang máng nhớ chứ đâu có dùng được. Làm thì chưa xong quyển này đã chạy sang quyển khác, vừa làm vừa lo không biết thực hành theo quyển này có tốt không, chẳng thể tập trung được. Rồi tuần này rảnh thì làm một bài, xong nghỉ Tết 2 tháng quay lại làm tiếp, lại cứ thắc mắc, sao làm mãi chả thấy tiến bộ.

 

Các em nhớ, mục đích của kỳ thi là kiểm tra trình độ tiếng Anh, sách nào cũng có chung mục đích nâng cao trình độ tiếng Anh, chỉ là mỗi sách nâng một kỹ năng khác nhau một chút, nhưng các kỹ năng có tác động qua lại với nhau, nghe tốt thì nói cũng sẽ tốt, đọc tốt thì viết cũng sẽ tốt, nên học sách nào cũng ổn, và hãy tự tin lên, chỉ cần em làm một cuốn sách tiếng Anh, dù không phải là IELTS, nó vẫn tốt cho bài thi IELTS như thường.

 

Ví dụ chị có quyển sách nghe “Listen In” chẳng hạn, chẳng phải dạng bài thi IELTS, bài nghe thiết kế khá dễ, nhưng không sao. Trước là chị làm cho hết bài tập của mỗi Unit, mỗi ngày một bài. Sau là, sau khi làm xong bài tập thì tập nghe tapescript, viết lại toàn bộ những gì mình nghe được xuống, không bỏ qua dù chỉ là một động từ “to be” hay một mạo từ. Điều này có thể mất thời gian, nhưng tóm lại, thời gian cũng là để em học tiếng Anh, nhưng bài khác, sách khác, vậy tại sao không đầu tư thêm vào bài này, sách này cho xong đã, tác dụng không chỉ như nhau mà còn hơn đó. Khi nghe như thế, không chỉ các em phải nghe đi nghe lại một số âm quen thuộc thì tự nhiên, một cách vô thức, phát âm của em cũng sẽ được cải thiện. Còn nữa, vì khi nghe tapescript em bắt buộc phải viết cả câu, chủ vị, chia động từ y hệt trong bài, nên dần dần ý thức về ngữ pháp của em tốt hơn nhiều.

 

Nói như thế, thì em bắt đầu từ quyển sách học nghe nào mà chả được. Từ vựng thì bắt đầu bằng quyển từ vựng nào mà chả được, cũng bằng đấy từ, phân biệt, cho ví dụ rồi bắt mình đặt câu. Đến giai đoạn quan trọng nhất là đặt câu thì mình đã kịp thấy khó, thấy chán, thấy nản rồi bỏ, thì bảo sao học mãi từ vựng không vào??

 

Tất nhiên, đối với những người ở trình độ khác nhau thì cũng có thể bắt đầu ở những level khác nhau, nhưng bây giờ sách dạy trình độ nào cũng đã được ghi rất rõ trên bìa rồi, Pre-inter, Inter, Upper-Inter, rồi IELTS band 5.0 6.0 hay 7.0 họ cũng đã ghi đầy đủ, các em có thể tự chọn. Nhớ là chọn theo trình độ hiện tại của mình, chứ đừng chọn theo mục tiêu mong muốn của mình.

 

Điều cuối cùng chị muốn chia sẻ ở đây là, nếu có thể, các em hãy mua sách, đừng lấy tràn lan trên mạng. Chị biết, sách mua đắt lắm, bây giờ sách cứ phải tầm 100k đến 200k. Nhưng mua rồi mình mới biết trân trọng, làm từng cuốn một, làm xong mới mua cuốn khác. Hơn thế nữa, khi mua sách em mua được đợt tái bản mới nhất, cập nhật hơn trong khi lấy trên mạng thì không biết các sách đã ra từ khi nào, có còn đúng với xu hướng ra đề hiện tại hay không. Nhiều bạn thấy chỗ nào chia sẻ link download sách cũng tải về, xong để nguyên trên máy, nhưng chẳng bao giờ đụng đến. Lúc nào muốn đụng đến thì nhìn thấy đã hoa cả mắt, sách thì tên nào cũng nhảy tanh tách, chọn sách một lúc thấy mệt, giải lao một lúc, tuần sau tìm tiếp.

 

Tất nhiên, đối với các bạn quá khó khăn, không mua được sách, thì download, nhưng chị hoàn toàn không ủng hộ làm việc này một cách công khai, rộng rãi, có tổ chức. Không có gì giết chết sức sáng tạo bằng hành vi copy. Và cái gì cũng có cái giá của nó. Bỏ tiền ra mua một quyển sách về mà tập trung học, làm sạch sẽ bài tập, tận dụng mọi cách có thể thì sẽ rất bõ. Làm bài có thể bằng bút chì, sau khi học xong thì cho người khác xài. Đến cuối tháng 4, chị sẽ tặng các em hết những cuốn sách chị đang có (nhưng bị học sinh trấn lột cũng nhiều rồi) ^^

 

Vậy nhé, chúc mọi người học tập và chia sẻ vui vẻ. Nhớ là, nếu không biết học tiếng Anh bắt đầu từ đâu, hãy bắt đầu từ chính cuốn sách ở ngay gần mình nhất và phải toàn tâm toàn ý!!

 

Nguồn: Facebook – IELTS Trang Bùi

Related Articles

Học Online cùng Premium